Từ 1/7/2024, tăng lương 30% cho cán bộ, tăng 38,9% trợ cấp xã hội
Từ ngày 1/7/2024 chính thức tăng mức
lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu (tương đương 30%) và điều chỉnh trợ cấp
xã hội từ 350.000 lên 500.000 đồng/tháng (38,9%). Đây là mức tăng cao nhất từ
trước đến nay trong lịch sử tăng lương.
Thông tin mới nhất từ Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 19/6, Bộ Chính trị kết luận
về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi
người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất
thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã
rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công
chưa thực hiện gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và
cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngày 19/6, Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024
Trong
thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ, từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu
nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo
cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được
hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều
chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
“Mức
tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là
mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công
chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng
lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ
gắn với mức lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Trường
hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày
1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì
thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Mức
lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu - 2,34 triệu kéo theo khoản lương hưu, trợ cấp
bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp
của người lao động cũng thay đổi theo.
Bảo
hiểm thất nghiệp bằng 10,5% tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng trên nền lương
cơ sở 2,34 triệu đồng (8% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế,
1% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Hiện tại mức đóng cao nhất bằng 20 lần tháng
lương cơ sở, tiền đóng tối đa từ 1/7 sẽ tăng lên là 46,8 triệu đồng.
Cụ thể:
Đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, đoàn phí
tối đa bằng 10% lương cơ sở, cũng tăng lên 234.000 đồng thay vì 180.000 đồng
như hiện tại.
Tiền
đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo
quy định hiện hành, theo đó người thứ nhất trong hộ gia đình là 105.300 đồng
mỗi tháng thay vì 81.000 đồng như hiện tại. Từ người thứ hai đến người thứ năm
đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng
73.710 đồng, 63.180 đồng, 52.650 đồng và 42.120 đồng mỗi tháng.
Trợ cấp
BHXH tăng từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng, nâng mức trợ cấp thất nghiệp
tối đa sẽ tăng lên 11,7 triệu đồng.
Trợ cấp
thai sản một lần tăng từ 3,6 triệu lên 4,68 triệu đồng. Luật hiện hành quy định
lao động nữ sinh con, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp
một lần bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Nếu
mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ
điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.
Trợ cấp
mai táng tính bằng 10 lần mức lương cơ sở, tăng tương ứng từ 18 triệu lên 23,4
triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50%
mức lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện
tại. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng mức trợ cấp bằng 70%
lương cơ sở, tức 1,638 triệu đồng.
Cả nước
hiện có 18,3 triệu người tham gia BHXH, tỷ lệ bao phủ 39% lực lượng lao động
trong độ tuổi. Hết năm 2023, gần 93,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ
trên 93% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số.
Phương
án tăng lượng lần này bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn
2024 - 2026. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều
chỉnh lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 -
2026 tăng thêm là hơn 900 nghìn tỉ đồng.
Đặc
biệt, sẽ bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ
quan đơn vị thưởng đột xuất và thưởng thành tích hàng năm cho cán bộ, công
chức, viên chức... Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện./.
Theo
Chính phủ